LAN TOẢ TINH THẦN THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT TRONG MÔI TRƯỜNG SỐ
Ngày 9/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013) nhưng những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta. Chính vì vậy, ngày 9/11, ngày ban hành Hiến pháp 1946 được xác định là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được chính thức luật hóa trong Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01/01/2013).
Ngày Pháp luật Việt Nam được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cho mọi người, góp phần xây dựng lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội.
Để lan toả tinh thần “thượng tôn pháp luật”, nhiều năm qua cả hệ thống chính trị đã cùng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ giúp cho việc ban hành pháp luật, thực thi pháp luật và chấp hành pháp luật ngày càng hiệu quả hơn: Bên cạnh các chuyên gia, các bộ phận chuyên môn sự tham gia của người dân ngày càng đóng vai trò quan trọng: việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành văn bản pháp luật được lấy ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân, ngày càng phù hợp, sát với thực tiễn; việc thực thi pháp luật có sự giám sát của nhân dân; việc chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được lan toả bởi sự hiểu biết, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao. Sự đồng bộ, gắn kết này đã tạo môi trường thuận lợi để góp phần hiện thực hoá tư tưởng “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới quản lý xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở đó tạo nền tảng để từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Như vậy, có thể thấy, trong mọi trường hợp, cả ở môi trường truyền thống và môi trường số, vai trò của mỗi người dân ở tất cả các tầng lớp là đặc biệt quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền. Cùng với sự phát triển, môi trường số ngày càng thể hiện vai trò thực trong đời sống xã hội. Vì vậy, việc tuân thủ pháp luật, lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật trên môi trường số cần được quan tâm hơn vì lợi ích chung, an toàn của xã hội.
Chấp hành, tuân thủ pháp luật trong môi trường số có thể được hiểu là việc thực hiện pháp luật mà các cá nhân, cơ quan, tổ chức kiềm chế không thực hiện các hoạt động mà pháp luật ngăn cấm trong môi trường số.
Trong những năm qua, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng hàng ngàn trang mạng xã hội vào xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và vai trò lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, nhiều trang mạng xã hội phản động thường xuyên đăng tải những bài viết với lời lẽ chống Đảng, chống chế độ một cách điên cuồng, mù quáng. Chúng lợi dụng chiêu bài phản biện xã hội, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, bảo vệ môi trường… để đăng tải những bài viết có thông tin sai lệch, không được kiểm chứng, suy diễn xuyên tạc, từ đó kết luận các chủ trương, chính sách đó là sai lầm và đòi xóa bỏ. Lợi dụng mạng xã hội, các thế lực này đã hình thành cái gọi là “truyền thông độc lập”, tách khỏi sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các thủ đoạn tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân, cổ xúy cho các luận điệu dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do báo chí, tự do tôn giáo theo quan điểm phương Tây để phục vụ cho “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... Môi trường số đang dần trở thành công cụ để tội phạm lợi dụng hoạt động. Vì vậy, việc tuân thủ pháp luật trong môi trường số là yêu cầu bắt buộc nhằm hạn chế sự lợi dụng này cũng như phòng chống tội phạm trên không gian số.
Như vậy, mỗi cá nhân cần hiểu rõ, tuân thủ nghiêm những quy định pháp luật trên môi trường số, môi trường mạng, cụ thể là Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018 và các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng Internet, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân tham gia môi trường mạng cần tự tạo cho mình “sức đề kháng” – tự nâng cao nhận thức, cân nhắc trước khi tiếp nhận thông tin, thận trọng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội, bởi tốc độ lan truyền thông tin trên mạng xã hội rất nhanh, một thông tin sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng khôn lường đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể, thậm chí gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội.
Để đẩy lùi sự tác động tiêu cực khi tham gia mạng xã hội, mỗi người dân cần xác định trách nhiệm, sự tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, tích cực đấu tranh với thông tin xấu độc.
Cụ thể: lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội (đăng tải, tán phát thông tin về chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phủ nhận vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông tin xúc phạm đến lãnh tụ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…); lưu ý những hành vi vi phạm quyền nhân thân, uy tín của cá nhân và tổ chức (đăng thông tin, hình ảnh của người khác, của tổ chức mà không có sự đồng ý của họ một cách vô tình hay cố ý; lưu ý những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ (là những sản phẩm sáng tạo của con người, như tác phẩm văn học, âm nhạc, phần mềm máy tính, phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp...); lưu ý những việc có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm đến việc bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng (bị tấn công, xâm nhập gây sự cố, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt hoặc phá hoại hệ thống thông tin gây thiệt hại cho người dùng hoặc nhân dân chủ tài khoản lừa đảo người thân, bạn bè của người đó…); lưu ý việc tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không phù hợp quy định của pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục, lối sống văn minh, tiến bộ và các sản phẩm hàng hóa giả, nhái, hàng nhập lậu...; lưu ý các nội dung xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm hoặc phân biệt đối xử về tôn giáo, về giới, về chủng tộc, về vùng miền…
Mỗi người dân khi tham gia môi trường số có ý thức, kiến thức, kỹ năng sẽ là hạt nhân quan trọng tạo sức mạnh góp phần lan toả tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hoá pháp lý trong toàn xã hội.