Xóa nhà tạm, nhà dột nát là mệnh lệnh từ trái tim, trách nhiệm với cộng đồng
Chiều 10/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương và nhiệm vụ thời gian tới.
Phiên họp diễn ra trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với đầu cầu ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương là thành viên Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Mỗi ngày cả nước phải xóa khoảng 500 căn nhà tạm, nhà dột nát
Theo Ban Chỉ đạo, qua rà soát sơ bộ, cả nước có khoảng 223.000 gia đình đang ở trong nhà tạm, nhà dột nát, không đảm bảo an toàn hoặc chưa có nhà ở cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở để “an cư, lạc nghiệp.”
Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” và “Đợt thi đua cao điểm 450 ngày xóa nhà tạm, nhà dột nát”, cùng với kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp, người dân đã chung tay xây dựng nhà cho các gia đình còn khó khăn về nhà ở.
Cùng với kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công, hỗ trợ nhà ở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia và kinh phí hỗ trợ từ nguồn 5% tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 từ ngân sách Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, ngân hàng, doanh nghiệp đã chuyển hơn 2.200 tỷ đồng theo phương án huy động nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận trên 80 tỷ đồng. Nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, huy động thêm kinh phí, vật liệu, ngày công lực lượng tại chỗ để xoá nhà tạm, nhà dột nát.
Nhiều đơn vị, lực lượng tiêu biểu tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát như: Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp Quốc phòng hỗ trợ 566 tỷ đồng; Bộ Công an 231 tỷ đồng; ngành Ngân hàng hỗ trợ gần 1.313 tỷ đồng; các địa phương huy động hơn 2.700 tỷ đồng...
Đến nay, cả nước đã hỗ trợ xóa 121.000 ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát, hơn 65.000 căn nhà đã được bàn giao, đang xây dựng hơn 56.000 căn nhà. Cụ thể là hỗ trợ hơn 10.000 căn nhà ở đối với người có công; hỗ trợ theo 2 chương trình mục tiêu quốc gia hơn 57.000 căn và hỗ trợ nhà ở thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát hơn 53.000 căn. Có 6 địa phương đã hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Từ nay đến cuối năm, cả nước phải tập trung hoàn thành xóa hơn 101.000 căn nhà tạm, nhà dột nát; trong đó, nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 70.000 căn. Bình quân mỗi ngày cả nước phải xóa khoảng 500 căn nhà tạm, nhà dột nát; mỗi tỉnh xóa 8 căn/ngày.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thảo luận sôi nổi, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Các đại biểu nêu khó khăn, vướng mắc, bài học kinh nghiệm, nhất là cách làm hay của các địa phương; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp và bày tỏ quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, dột nát trên cả nước vào cuối năm 2025.
Các đại biểu nêu rõ, bên cạnh kết quả đáng khích lệ, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát ở một số tỉnh còn khiêm tốn, do địa phương chưa thực sự quyết liệt tập trung chỉ đạo. Việc bố trí, phân bổ kinh phí cho các địa phương còn chậm; lúng túng trong việc áp dụng quy định, thủ tục. Một số hộ khó khăn về đất đai, không đủ điều kiện hỗ trợ; một số địa phương khó khăn khi huy động kinh phí hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát...
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện sự biết ơn, đền ơn đáp nghĩa đối với người có công; thể hiện tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “tương thân, tương ái,” “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”; là trách nhiệm với nhân dân, nhất là những người yếu thế, khó khăn, vùng sâu, vùng xa... “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, người khó khăn hy vọng; chỉ bàn làm, không bàn lùi,” Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị tài trợ đã chủ động, tích cực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, góp phần vào những thành quả bước đầu hết sức tích cực của Chương trình. Thủ tướng trân trọng cảm ơn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, cơ quan trong hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã hưởng ứng tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của Chương trình.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đề xuất hình thức khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho chương trình hoặc nghiêm khắc phê bình, thậm chí xử lý đối với những tập thể, cá nhân chưa tích cực, gây cản trở, ảnh hưởng chương trình.
Thẳng thắn chỉ rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, chỉ bàn làm và phải làm bằng được theo tiến độ đề ra, hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025 và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; đồng thời là “mệnh lệnh từ trái tim, lương tri và trách nhiệm với cộng đồng.”